Hoa Hồ Điệp là loài hoa kiêu sa, có vẻ đẹp sang trọng, lộng lẫy làm say đắm mọi người yêu hoa, luôn là lựa chọn đầu tiên của người yêu hoa khi muốn trang trí nhà cửa hoặc làm quà tặng người thân trong dịp tết Nguyên Đán. Không chỉ có thời gian ra hoa dài từ 2 đến 3 tháng mà còn có nhiều ý nghĩa phong thủy tốt đẹp. Tuy loài hoa này không quá “chảnh” nhưng nếu chăm sóc không cẩn thận, đúng cách thì cây sẽ dễ bị sâu bệnh hoặc ra hoa không đều, không đẹp. Sau đây là một số chia sẻ từ Nhà Vườn Ngọc Lâm cho các bạn cách trồng Lan Hồ Điệp giúp cây ra hoa đều đẹp.
Đôi nét về Lan Hồ Điệp
Hoa Lan Hồ Điệp có tên khoa học là Phalaenopsis Blume, được viết tắt là Phal trong thương mại, là một chi thuộc họ Lan Orchid Orchidaceae, đây là họ lớn nhất trong các loài cây, chi này có khoảng 60 loài khác nhau. Loài hoa này là một trong những chi hoa Lan phổ biến nhất hiện nay, được nhiều người yêu thích và sưu tầm, hiện đã lai tạo thành nhiều loài khác nhau.
Giống hoa này là loại cây thân thảo sống lâu năm, lớn khá chậm, nếu chăm sóc tỉ mỉ và đúng cách có thể sống đến trên 18 năm. Loại hoa này được tìm thấy nhiều trong các khu rừng nhiệt đới ẩm, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nước Úc và Philippines. Do hoa nở có hình dáng đẹp và nhiều màu sắc khác nhau nên được người yêu thích trồng hoa và cây cảnh trồng rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới.
Cây thường sống bám vào các loài cây thân gỗ lâu năm hoặc bám vào đá, cây có lá to, rộng bản, khá mọng nước với phần cuống hoa hơi uốn cong có nhiều bông hoa cùng mọc trên một cuống, các cánh hoa mọc đối xứng nhau. Một số loài Lan Hồ Điệp thì có cuống hoa dài, một số loài khác thì có cuống hoa ngắn hơn, màu hoa thì đa dạng, sặc sỡ với các màu trắng, vàng, tím, hồng, hoặc cánh hoa có đốm, có viền hoặc màu đa sắc hòa trộn với nhau. Hoa thường nở từ tháng 12 đến cho đến tháng 5, mỗi kỳ ra hoa thường kéo dài từ 2-3 tháng, đặc biệt nếu chăm sóc kỹ có thể kéo dài đến 6 tháng.
Mỗi cây trưởng thành có khoảng 5-10 lá với nhiều rễ phụ màu trắng mọc lan ra hút chất ẩm từ không khí. Nhiệt độ phù hợp nhất để cây phát triển tốt là từ 20 – 35 độ, ban ngày vào khoảng 28 – 35 độ, bạn đêm là 20 – 24 độ và độ ẩm phù hợp là từ 50 – 80%. Đây là loại cây ưa râm mát, thích ánh nắng gián tiếp mà không thích bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, rễ và lá đều có thể hấp thu dưỡng chất cho cây.
Kể cả được nuôi dưỡng trong điều kiện thời tiết, đất, nước phù hợp cũng phải mất tới 40 ngày mới mọc xong một lá. Sau khi nhân giống xong, cây phải mọc được ít nhất 5 lá mới có thể ra hoa. Vì vậy, nhiều người yêu hoa đánh giá đây là loại cây khó chăm sóc.
Cách trồng Lan Hồ Điệp
Giống hoa này có nhiều hình dáng cây cũng như kích thước lớn nhỏ khác nhau. Do vậy người trồng hoa có thể trồng riêng mỗi cây một chậu hoặc trồng chung nhiều cây trong một cậy. Một chậu thường có thể trồng được nhiều cây, nếu chăm sóc tốt có thể ra hoa trong khoảng hai năm. Trong quá trình trồng và chăm sóc, các bạn nên lưu ý một số điểm như:
+ Nên trồng hoa ở nơi có mái che, vì loại hoa này không thích bị nước đọng trên lá, nhất là để như vậy qua đêm. Nếu để nước đọng qua đêm lá cây có thể sẽ nhiễm bệnh.
+ Loại hoa này ra hoa rất lâu tàn, nhất là khi được chăm sóc một cách hợp lý, điều kiện để cây ra hoa là khoảng 18 độ C.
+ Lan Hồ Điệp thích ẩm ướt nhưng không chịu được ngập úng, loại cây này ưa được trồng trong chậu phù hợp với phần thân – rễ, tức là không quá to hoặc quá nhỏ so với thân cây.
Điều kiện đất trồng
Đất trồng hoa Lan Hồ Điệp còn được gọi là giá thể trồng hoa. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc cây có thể sống sót và phát triển bình thường không. Giá thể trồng cây phải đảm bảo độ tơi xốp và thoáng khí, có khả năng giữ nước tốt mà không dễ bị ngập úng. Có nhiều loại giá thể phổ biến như: xơ dừa, than củi, dớn trắng, rêu, vỏ cây, vụn sứ hoặc đá,… Mỗi loại đều có phương pháp chăm sóc, tưới nước khác nhau, tùy vào điều kiện mà các bạn nên lựa chọn loại phù hợp với mình. Giá thể tốt và phù hợp sẽ mang lại điều kiện phát triển tốt nhất cho cây Lan Hồ Điệp.
Than củi – Giá thể phổ biến và phù hợp
– Việc trồng cây Lan Hồ Điệp bằng than củi đã được phổ biến từ nhiều năm nay. Than dùng để trồng loại hoa này là loại được đốt từ củi, khi trồng bằng than thì phải 5-6 năm mới phải thay chậu và dù cây lớn hay nhỏ cũng chỉ cần dùng 1 cỡ chậu. Một số loại sâu bệnh, côn trùng gây hại cho hoa cũng không thích sống trong than, nên sẽ hạn chế việc rễ cây bị côn trùng phá hoại. Tuy nhiên, than củi có đặc tính là giữ muối và phân bón nên cứ cách 1-2 tháng lại phải tưới thật nhiều nước để than không bị mặn.
– Để trồng Lan Hồ Điệp, đầu tiên bạn lót xuống dưới đáy chậu than củi, phần này chỉ khoảng 1/3 chậu, sau đó để lên 1 lớp mỏng xơ dừa đã được băm nhỏ cho vào chậu rồi đặt cây vào theo tư thế bạn muốn. Tiếp theo là lấp tiếp xơ dừa lên trên rễ cây đến khi nào cách miệng chậu 1cm thì dừng lại. Lưu ý không nén chặt xơ dừa, nhưng cần vỗ cho xơ dừa rơi xuống đều, sau khi trồng xong thì tưới nước cho cây ngay.
– Nếu treo hoa ở lan can, mái hiên hoặc sân thượng thì cần để thêm các cây khác xung quanh để giảm bớt ảnh hưởng của ánh nắng với cây, có thể trồng cau, nguyệt quế hoặc mai chiếu thủy,… Mùa hoa Lan Hồ Điệp bắt đầu từ tháng 12 đến cuối tháng 5, được chăm sóc tốt thì hoa có thể kéo dài khoảng 3 tháng, một số loài khác có thời gian nở hoa lâu hơn, cũng có loài ra hoa quanh năm.
Cách trồng Lan Hồ Điệp bằng quả dừa khô
Quả dừa khô cũng là nguyên liệu rất quen thuộc được dùng để trồng hoa Lan, có thể dùng gáo dừa, vỏ dừa để nguyên quả, hoặc chặt nhỏ hay tách riêng xơ dừa. Đây là nguyên liệu rẻ, dễ tìm và là thành phần quan trọng trong quá trình nuôi trồng và chăm sóc hoa Lan. Gáo dừa có thể dùng làm chậu trồng hoa, quả dừa khô vừa làm chậu, vừa làm “đất” trồng luôn được, vỏ dừa chặt nhỏ dùng thay cho đất trồng Lan.
Khi trồng bằng xơ dừa, vỏ dừa,… thì dễ bị mọc rêu và mục nát sau một thời gian sử dụng, lại dễ làm cây bị đổ do trọng lượng nhẹ. Vì vậy, khi các bạn muốn trồng hoa Lan Hồ Điệp bằng xơ dừa thì phải chú ý khi tưới cho cây. Mặt khác, xơ dừa có nhiều muối bên trong thành phần nên cần ngâm nước khoảng 3-4 ngày, xả sạch muối rồi mới tiến hành trồng.
Khi phủ lớp xơ dừa lên trên bề mặt rễ cây, sẽ tạo ra một lớp cách nhiệt, giúp rễ cây luôn mát mẻ, hạn chế việc bay hơi nước trong đất trồng, giúp rễ cây luôn đủ độ ẩm. Ngoài ra, xơ dừa băm nhỏ trộn vào đất sẽ làm đất tơi xốp, không bị vón cục, làm đất thông thoáng tạo điều kiện cho cây phát triển và kích thích rễ cây phát triển nhờ chính các chất dinh dưỡng có trong xơ dừa.
Cách trồng Lan Hồ Điệp bằng dớn trắng
Dớn là sợi được phơi khô của thân, rễ cây dương xỉ. Ưu điểm của dớn là không bị rêu bám, hút ẩm tốt, dớn có khả năng giữ ẩm tốt, độ bền khá cao, nên không cần tưới nước hay thay chậu nhiều, khi tách cây cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu chỉ dùng dớn để trồng cây thì chậu bị bí, không có độ thoáng.
Có 2 loại dớn là dạng sợi và dạng vụn. Dớn sợi là loại thân già, gần hóa mộc. Dớn vụn là phần còn lại của cây sau khi đã lấy đi phần dớn sợi, đây là phần non của cây dớn. Dớn vụn thích thích hợp sử dụng cho vùng có nhiệt độ thấp vì dớn có khả năng hút ẩm cao, lại không tạo được sự thông thống nên nhiệt độ, độ ẩm bên trong chậu sẽ cao hơn bên ngoài, cây sẽ dễ sống hơn. Nhưng ở vùng nhiệt đới ẩm như nước ta thì không nên dùng loại này, vì dễ mục nát, gây bí bách trong chậu và không dễ thoát nước..
Khi trồng ở Việt Nam, các chuyên gia trồng Lan đã khuyến cáo, dớn chỉ thích hợp để trồng Lan theo hình thức công nghiệp, trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới phun sương và trồng trong các chậu có ít lỗ thoát nước hoặc để ươm trồng Lan con và trồng một số loài hoa Lan ưa ẩm mà không cần tần suất tưới cao. Lan Hồ Điệp nếu trồng bằng dớn ở nơi có độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng và tưới nhiều nước sẽ dễ chết vì bị thối dễ.
Cách trồng Lan Hồ Điệp bằng rêu
Rêu cũng là loại giá thể khá được yêu thích khi trồng Lan, nhất là loại rêu sphagnum moss. Rêu nguyên liệu trồng Lan được sản xuất ở nhiều quốc gia, chất lượng nhất là của New Zeland, Trung Quốc, rêu của các nước khác thì phẩm chất không cao nên không được dùng nhiều.
Chỉ dùng rêu trong các chậu có kích thước nhỏ từ 4 – 10cm, chậu có nhiều lỗ thoáng, khi dùng rêu trồng Lan, cần thay mới giá thể mỗi năm 1 lần. Trước khi dùng cần ngâm nước trong 24 giờ để làm sạch, không nén chặt rêu trong chậu để trong chậu thông khí trong chậu. Tốt nhất là nên cho 1 ít sứ vụn hoặc đá vụn vào đáy chậu để tạo độ thoáng. Khi trồng bằng rêu thì 1 tuần chỉ nên tưới 1 lần, mỗi lần tưới đến ướt đẫm rêu thì dừng.
Khi bạn muốn trồng Lan bằng rêu trên miếng gỗ hay vỏ cây thì cần tăng số lần tưới nước lên khoảng 2-3 ngày tưới 1 lần.
Những giống Lan rễ nhỏ thì không nên trồng với rêu vì rễ sẽ mọc lẫn vào trong rêu, rất khó thay chậu. Nếu trồng thì nên tạo hỗn hợp gồm 3 phần rêu cắt nhỏ, 3 phần than, 3 phần rễ dương xỉ với 1 phần đá perlite để tạo độ thoáng và dễ thay chậu.
Những giống Lan khó tính (không ưa rễ bị động vào) hoặc không ưa ẩm thì không nên trồng bằng rêu.
Cách trồng Lan Hồ Điệp bằng vỏ cây
– Vỏ cây đã được các bậc ông cha dùng để trồng hoa Lan từ xa xưa, có rất nhiều loại vỏ cây có thể dùng để trồng Lan, nhưng tốt nhất nên chọn loại cây bền, khó bị mục. Khi trồng bằng vỏ cây thì cần để ý tránh các loại sâu bệnh thích sinh sống trong vỏ cây, khi thấy vỏ cây có dấu hiệu bị sâu bệnh ký sinh thì phải thay. Vỏ cây thông là loại vỏ cây thích hợp trồng nhất vì trong vỏ cây thông có chứa chất resin, là hoạt chất có tính kháng khuẩn cao, lâu bị mục, không bị rêu bám.
Yêu cầu về ánh sáng và nhiệt độ cho cây
Khi trồng Lan Hồ Điệp tại nhà thì nên trồng ở nơi có ánh sáng tự nhiên chiếu đến được nhưng phải có mái che,không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây như ở hành lang, cửa sổ, sân vườn, ban công, mái hiên. Nếu trồng ở nơi có ánh nắng chói chang cần trồng thêm một số loại cây xung quanh để giảm bớt nhiệt.
Thời điểm cây ra hoa là khoảng đầu tháng 12, khi cây có từ 4 lá trở lên và bắt đầu mọc mầm hoa. Nhiệt độ lý tưởng để cây ra hoa là từ 18 – 25 độ C, nhiệt độ ban đêm chênh lệch không quá 8-10 độ so với ban ngày. Nhiệt độ lý tưởng duy trì càng dài thì loại hoa này càng ra nhiều hoa, nhưng nhiệt độ dưới 15 độ thì cây không ra nụ kết hoa được, tương tự với nhiệt độ trên 25 độ C cây cũng không ra hoa được.
Khi Lan Hồ Điệp đã ra hoa thì chỉ cần đặt cây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ khoảng 20- 25 độ C, không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì hoa sẽ nở rất lâu.
Bình thường lá của cây hoa Lan có màu xanh hơi đậm, nếu lá chuyển sang màu đậm hơn là do cây bị thiếu sáng, nếu là có đốm nâu, lá chuyển dần sang màu đỏ là hiện tượng cháy lá, cây đang bị thừa sáng. Ngoài ra, nếu trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng cũng làm cây không ra hoa được. Để thúc cây nở hoa, các bạn cần chiếu đèn cho cây từ 13 – 16 tiếng mỗi ngày.
Yêu cầu độ ẩm và mực nước cho cây
Lan Hồ Điệp là cây ưa ẩm ướt, độ ẩm phù hợp với cây là từ 50 – 80 %. Nếu trồng cây ở nơi có độ ẩm tự nhiên thấp thì nên trồng ở chỗ có mái che để hạn chế rễ cây bị khô do thoát hơi nước.
Khi trồng loại hoa này nên lót ở dưới đáy chậu 1 ít đá cuội hoặc sỏi, vừa để giữ cây đứng vững vừa là biện pháp phòng ngừa rễ cây tiếp xúc trực tiếp với nước khi tưới quá tay. Lan Hồ Điệp khá khó tính trong việc tưới nước, các bạn nên tưới bằng bình phun sương để tránh việc tưới thiếu hay thừa nước dẫn đến chết cây.
Mùa hè nắng nóng nên tưới cây khoảng 2-3 lần trong 1 ngày, vào mùa đông thì khoảng 10 ngày mới cần tưới 1 lần. Thời điểm tốt nhất để tưới cây là buổi trưa, vì đến tối lá sẽ khô, nếu để lá bị dính nước qua đêm, lá có thể bị thối. Do vậy tốt nhất là điều chỉnh tần suất tưới theo mùa, tưới theo nhu cầu của cây và theo giá thể trồng Lan.
Yêu cầu về phân bón
Bí quyết chăm sóc cây Lan Hồ Điệp ra hoa nằm ở thời điểm bón phân cho cây. Khi cây bắt đầu mọc mầm hoa, các bạn cần bón phân N_P_K theo tỷ lệ 6-30-30 pha loãng 2gr trong 1 lít nước. Tưới vào gốc cây với tần suất 7-10 ngày 1 lần sẽ khiến hoa nở bông to hơn, tươi lâu hơn và màu sắc tươi đẹp hơn.
Vào mùa hè và giai đoạn cây đang phát triển , nên thường xuyên bón phân cho cây. Ngược lại, vào mùa đông thì không cần bón phân nhiều vì cây dùng ít chất dinh dưỡng hơn. Trước khi bón phân cần tưới nước đầy đủ cho cây, có thể bón bằng phân N_P_K với công thức 14-14-14 là tốt nhất. Với cây đang ra hoa cần sử dụng phân bón có hàm lượng phốt pho cao hơn, tương đương với tỷ lệ N_P_K 10-30-20.
Khi hoa đã nở thì cần dừng bón phân cho cây. Khi hoa gần tàn thì cắt đi để giữ dinh dưỡng nuôi các cành hoa khác. Nếu cuống hoa còn xanh thì chỉ cần cắt khoảng 10-12cm và chừa phần cành xanh lại để thúc đẩy cây hình thành mầm hoa mới. Sau khi cắt cành thì tưới phân N_P_K với tỷ lệ 30-10-10 để bổ sung dinh dưỡng cho đợt hoa tiếp theo.
Các bệnh của cây Lan Hồ Điệp
Hoa Lan Hồ Điệp sống trong môi trường ẩm ướt, ít ánh sáng trực tiếp chiếu đến, đây là điều kiện môi trường rất phù hợp cho nấm mốc và sâu bệnh phát triển, vì thế cần theo dõi sát tình trạng của cây và tiến hành các biện pháp phòng tránh kịp thời. Tổng chung các bệnh ở loại cây này có 3 nhóm: do nấm, do vi khuẩn và do sâu bệnh gây nên.
Bệnh do nấm gây ra
Bệnh thối đen: gây ra bởi nấm Phytophthora palmivora, bệnh này thường bị vào mùa hè khi nhiệt độ và độ ẩm cao, cũng có thể do nhà kính trồng Lan Hồ Điệp không thoáng gió. Bệnh tiến triển rất nhanh, khiến thân rễ thối nát, bệnh lây khi tiến hành tưới nước cho cây, các bào tử nấm sẽ bám vào hạt nước phát tán sang các cây khác, các bào tử nấm này chủ yếu xâm nhập qua các vết tương ở lá, thân, rễ, khiến cho rễ bị thối, lá rụng.
Để tránh bị bệnh thối đen cần giữ nơi trồng Lan thông khí, thoáng gió, khi trồng hay đổi chậu cần tránh các vết thương trên cây, phải tiệt trùng những vùng bị xước bằng Natri phenolat. Khi cây bị bệnh phải tránh cây bị ướt mưa, quản lý chặt chẽ việc tưới nước hàng ngày, nếu cây bị nặng thì phải loại bỏ để tránh lây sang cây khác. Nếu cây non bị bệnh cần kịp thời tiêu hủy cả cây bị bệnh và giá thể trồng cây bị bệnh.
Một số loại thuốc trị bệnh thối đen: Appencarb 75 DF pha theo tỷ lệ 15g trên10 lít nước, Score 250 EC tỷ lệ 5-10ml trên10 lít nước, Đồng Oxyt BTN 35% tỷ lệ 50-100g trên10 lít nước.
+ Bệnh thán thư: tác nhân gây bệnh là nấm Collectotrichium, loại nấm này chuyên gây hại cho lá già hoặc lá của những cây phát triển kém, biểu hiện của bệnh là xuất hiện các đốm nâu đen có hình tròn, ở tâm có những vòng tròn nhỏ màu vàng hoặc nâu. Nấm này phát triển mạnh ở 22-25 độ C, nên bệnh này không xuất hiện vào mùa hè.
Để phòng và trị bệnh thán thư có thể dùng: dung dịch Boocdo 1%, Manconeb BTN theo tỷ lệ 25 – 30g trên bình 8 lít, Topsin tỷ lệ 5-10g trên bình 8 lít, Arbotect tỷ lệ 6-10g trên bình 8 lít, hoặc 600l dung dịch Carben vil 50 SC cho 1 hecta trồng Lan.
+ Bệnh phấn trắng: Bệnh này chuyên gây hại cho thân, rễ cây khiến rễ và lá bị thối. Thời kỳ đầu phát bệnh rất giống bệnh thối mềm và thối dịch, nhưng sau đó thì trên vết đốm sẽ xuất hiện các sợi nấm trắng, sau đó là xuất hiện các bào tử màu đen khiến cây bị thối thân rồi chết. Để phòng tránh bệnh này thì nên khử trùng các giá thể trồng Lan Hồ Điệp trước khi sử dụng, làm sạch môi trường, nếu phát hiện cây bị bệnh thì loại bỏ ngay tránh lây lan.
Để trị bệnh thì dùng: dung dịch Boocdo 1%, Rovral 50 WP tỷ lệ 10-20g/bình 10 lít, Anvil 5 SC tỷ lệ 10-15ml/bình 10 lít, Score 250 EC theo tỷ lệ 5-10ml/bình 10 lít.
+ Bệnh muội than: bệnh này thường gặp ở những vườn Lan không có ánh sáng đầy đủ, thiếu thông thoáng, cây bị các loại sâu bệnh như rầy bông hay bướm phấn cắn từ đó lây nhiễm bệnh này, nấm này mọc trên dịch ngọt sâu bệnh tiết ra trên lá, thân hoặc cuống hoa.
Bệnh này ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và làm cây hoa trông xấu xí. Để phòng bệnh này thì cần diệt các loại rệp gây bệnh truyền nhiễm. Nếu cây bị nhiễm bệnh thì dùng vải mềm lau sạch lá bằng nước sạch, sau đó dùng Dithane 80 WP pha tỷ lệ 40-50g/bình 10 lít phun cách 2 tuần 1 lần.
+ Bệnh đốm nâu trên hoa: bệnh này gây ra bởi nấm Botrytis cinarea Pers. Khi bị nhiễm bệnh, trên các cánh hoa sẽ xuất hiện các đốm nâu, bênh này xuât hiện da độ ẩm không khí cao trên 90% mà nơi trồng lại bí bách, không thoáng khí. Bềnh này xuất hiện vào khoảng tháng 2 – tháng 5, chủ yếu ở các nhà kính trồng Lan. Để phòng tránh bệnh đốm nâu thì cần giữ độ ẩm không khí khoảng 50-80%, nơi trồng đảm bảo thông thoáng, tránh nóng quá hoặc bị nước đọng lên hoa, tránh trồng Lan quá dày.
Để điều trị bệnh có thể dùng: Bellkute 40 WP pha theo tỷ lệ 8g/bình 10 lít hoặc Rovral 50 WP pha tỷ lệ 10-20g/bình 10 lít.
+
Bệnh vàng lá, rụng hoa: bệnh này có biểu hiện ở phần cuống lá, ở đây sẽ xuất hiện các đốm màu xám nhạt có nhiều hình thù khác nhau, sau đó có các bào tử nấm nâu nhạt, tiếp theo là lá sẽ vàng và rụng đi.
Để phòng tránh bệnh này cần giữ cho không khí luôn thoáng gió, tiêu hủy các cuống hoa và hoa rụng, định kỳ phun một trong các dung dịch Boocdo 1% hoặc Zineb 80 WP hay Dithane 80 WP.
Bệnh do vi khuẩn gây ra
Bệnh thối mềm: tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Pseudonoas gladioli, bệnh này lây lan rất nhanh, chỉ 2-3 ngày sau khi nhiễm bệnh là cây non sẽ chết. Khi các cây bị bệnh, đầu tiên là xuất hiện các đốm mọng nước dạng trong suốt càng ngày càng lan rộng, khi cây được tưới nước, bón phân hoặc vận chuyển, làm lá cây nhiễm bệnh bị rách sẽ làm lây lan sang các lá khỏe mạnh khác làm tốc độ lây lan càng tăng nhanh.
Bệnh này không có thuốc chữa, khi bị bệnh thì phải tiêu hủy cây bị bệnh. Do vậy cần định kỳ phun kháng sinh Streptomicin + 1g Tetracyclin hòa trong 1,5 lít nước, không nên trồng cây quá dày và luôn giữ nơi nuôi trồng thông gió, khi phát hiện cây bệnh cần tập trung tiêu hủy ngay để tránh lây lan. Khi phun kháng sinh thì ngừng tưới vài ngày.
Bệnh thối nâu: tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Erwinia carotovora, cây sẽ chết chỉ sau 2-3 ngày nhiễm bệnh, nhất là vào mùa mưa vì vi khuẩn này ưa các nơi nóng ẩm nên khi lá bị đọng nước là khi dễ phát bệnh nhất. Dấu hiệu nhận biết của bệnh là xuất hiện các đốm mọng nước màu xanh lục, lan rộng ra, bên ngoài các đốm thường có các vòng nâu đen lam cho lá Lan Hồ Điệp vàng dần rồi rụng.
Nếu kịp thời phun thuốc đặc trị thì các đóng bệnh chuyển sang màu nâu và không lan rộng ra, xung quanh vết bệnh sẽ tạo thành các khuyên màu vàng. Bệnh này khác bệnh thối mềm ở chỗ, bệnh thối nâu mô lá còn cứng, nên nếu cây Lan là dạng cây mềm thì rất khó phân biệt.
Các vi khuẩn dễ lây lan khi chăm bón, tưới nước, tốc độ lây lan và gây bệnh không bằng bệnh thối mềm nhưng khó trừ tận gốc, bệnh thối nâu thường gây bệnh trên các cây non hoặc cây già, bệnh này phát triển nhanh vào cuối xuân, đầu hè.
Để nhanh chóng tận diệt bệnh này cần phát hiện bệnh sớm và phun thuốc định kỳ cho Lan Hồ Điệp. Khi phát hiện cây bị bệnh cần ngay lập tức cắt bỏ phần bị bệnh, sau đó ngâm lá vào dung dịch thuốc Kasia 20 WP 1/1000 (pha tỷ lệ một thìa cafe cho 5 lít nước) trong 1-2 giờ. Vết cắt cần được bôi vôi rồi phun kháng sinh 1g Streptomicin + 1g Tetracylin hoà trong 1,5 lít nước. Lưu ý, cần ngừng tưới nước một vài ngày khi xử lý các cây bệnh.
Bệnh virus: các virus gây bệnh thường gặp là Virus ORST, Orchid Strain TMV, CYMV, CMV. Các bệnh này chủ yếu lây lan do côn trùng, do sự ma sát giữa các lá hoặc do các vết thương trên cây trong quá trình chăm sóc. Các cây bị bệnh do virus thường xuất hiện các đốm hoại tử làm lá lốm đốm vàng nâu và hoa bị đổi màu,…
Hiện nay chưa có thuốc phòng bệnh do virus. Khi phát hiện bệnh cần tiêu hủy cây bệnh ngay, diệt côn trùng gây hại ở nơi trồng Lan, khử trùng các dụng cụ chăm sóc, tưới tắm, Cách tránh các bệnh do virus là trồng các giống đã được làm sạch virus.
Bệnh do sâu hại thường gặp
Sâu hại họ châu chấu: thường bay từ các vùng cỏ hoặc cây cối xung quanh vào, xuất hiện vào hè thu, chúng cắn lá, cành hoa, cánh hoa làm cây không còn lành lặn, giảm giá trị của cây. Để phòng tránh cần làm sạch cỏ xung quanh nơi trồng Lan, có thể phun thuốc hóa học Pegasus 500 SC, Supracide 40 EC.
Bọ trĩ (Thrips palmi): loại bọ này sẽ cắn hoa là lá non, chủ yếu phát sinh trong kỳ ra hoa, bọ trĩ thích trú ẩn ở bông hoa, hút nhựa và đẻ trứng lên hoa, khi con non nở ra sẽ tiếp tục cắn và hút nhựa cây. Khi bị bọ trĩ thì cánh và nụ hoa sẽ héo và rụng đi, nụ hoa bị sâu mà nở thì hoa bị biến dạng, cánh hoa xuất hiện đốm trắng hoặc đổi màu.
Khi hoa mở, các con bọ sẽ đi đến các lá non khác, tiếp tục cắn hút nhựa tạo nên các vết màu nâu, lá bị biến dạng xấu đi. Để phòng tránh thì có thể thực hiện các biện pháp bắt sâu truyền thống học dùng thuốc hóa học: Sumicidin tỷ lệ 5-15g/bình 8 lít; Kelthane 18,5 EC tỷ lệ 10-15ml/10lít.
Rầy bông, Rệp vảy, Ngải và bướm đêm, nhện, bọ phấn, ốc sên cũng là những loại sâu hại ảnh hưởng đến cây Lan Hồ Điệp. Để phòng tránh các loại sâu hại cần lưu ý là không nên trồng các cây tỷ lệ quá dày, luôn giữ nơi trồng Lan thoáng đãng, làm sạch cỏ xung quanh để tránh các sâu hại có nơi ẩn nấp, có thể phun một số chất hóa học định kỳ để đuổi sâu hại, …
Kích thích để Lan Hồ Điệp ra hoa
– Làm sao để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên Đán hàng năm luôn là câu hỏi thường trực của người trồng Lan Hồ Điệp. Để hoa nở đúng kỳ cần nắm bắt thời điểm và điều chỉnh một số việc chăm sóc để thúc cây ra mầm hoa đúng lúc.
– Từ lúc Lan Hồ Điệp mọc mầm hoa đến khi toàn bộ các bông hoa trên cuống hoa đều nở phải mất 2 tháng. Thêm vào đó, hoa chỉ mọc mầm hoa khi thời tiết bắt đầu lạnh và loại hoa này có thời gian nở hoa rất dài nên các bạn có thể thúc ra hoa trước tết âm lịch khoảng nửa tháng để hoa có thể nở hết vào đúng dịp tết. Đã nắm bắt được thời gian, điều các bạn cần làm là điều chỉnh quá trình chăm sóc, theo dõi nhiệt độ và bón phân làm sao cho cây phải mọc mầm hoa vào khoảng cuối tháng 9 âm lịch thì hoa mới nở đúng khi tết đến.
– Để hoa nở đúng dịp thì cần chọn những cây Lan đã trưởng thành, đã ra hết lá non và ít nhất phải có khoảng 3 – 4 cặp lá. Sau khi đã chọn được cây tốt, có thể tiến hành bón phân N_P_K theo tỷ lệ 10 – 30 – 20, đây là loại có hàm lượng Photpho và Kali cao, mỗi tuần bón 1 lần theo liều lượng 0,5 – 1g pha với 4l nước để cây nhanh mọc mầm hoa. Cứ bón đều trong khoảng 3-4 tuần sẽ thấy cây bắt đầu nhú mầm hoa.
– Khi mầm hoa dài từ 2-3cm hãy chuyển sang phân bón lá N_P_K tỷ lệ 15-20-30, tức là nâng cao hàm lượng Kali lên, cứ 1 tuần phun 1 lần để mầm hoa chắc khỏe và dài nhanh hơn. Mặt khác, loại phân này cũng giúp hoa nở bông to hơn, màu sắc đẹp và lâu tàn hơn, và còn tránh được nguy cơ bị thối hoa. Đều đặn chăm sóc cây như này trong 45 – 50 ngày, đến khoảng tháng 12 âm lịch bông hoa đầu tiên sẽ nở, đến hết tháng thì hoa nở hầu như toàn bộ và nở rộ trong khoảng 2 tháng tiếp theo.
Xem Thêm: Các loại hoa ngoại nhập có tại Nhà Vườn Ngọc Lâm
Một số câu hỏi thường gặp khi bắt đầu trồng Lan Hồ Điệp
Ý nghĩa của cây lan hồ điệp
Cây Lan Hồ Điệp là giống hoa lâu tàn nhất trong chi hoa Lan, lại dễ ra hoa ở các điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau khác nhau, do vậy cây hoa này được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Châu Âu, đây được coi như món quà của tình yêu, được các cặp tình nhân dành tặng cho nhau để bày tỏ tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của mình.
Trước đây, loài hoa này được các bậc vua chúa và quý tộc yêu thích bởi vẻ đẹp kiêu sa, quyến rũ, cùng với sự chăm sóc cầu kỳ, nhất là một số giống lan hiếm có giá trị kinh tế rất cao. Chưa kể đến Lan Hồ Điệp còn tượng trưng cho sự sung túc, phú quý và mang lại vận mệnh tươi sáng, gia tăng tài lộc, giúp tinh thần vui vẻ, an bình trong phong thủy. Vì thế nhiều người trong dịp năm mới sẽ thích trưng bày một chậu trong nhà để mang lại tài lộc và may mắn cho cả năm mới.
Ngoài ra, mỗi màu hoa còn có những ý nghĩa riêng biệt, độc đáo như:
Lan Hồ Điệp màu trắng: là biểu tượng của sự trong sáng, xinh đẹp và trang trọng, ngoài ra còn là màu của giàu sang và khiêm nhường. Nó như sự bắt đầu cho một giai đoạn mới. Nếu bạn tặng ai đó một chậu hoa màu trắng là bạn đang mong muốn được bắt đầu với người đó một cuộc sống mới tràn đầy hy vọng tốt đẹp.
Lan Hồ Điệp màu đỏ: là tình yêu nồng nàn, rực rỡ như ngọn lửa, nó cũng là màu của quyền lực, của sự chinh phục. Khi bạn tặng cho ai đó màu hoa này là thể hiện quyết tâm muốn tiến tới một mối quan hệ sâu sắc hơn với đối phương, cho đối phương biết bạn yêu họ ra sao.
Lan Hồ Điệp màu vàng: màu vàng tượng trưng cho sự phú quý, sang giàu, và may mắn, ngoài ra nó còn mang ý nghĩa lời chúc công thành danh toại hoặc sự khởi đầu may mắn. Đây là món quà phù hợp với người thân, bạn bè hay đối tác, khách hàng.
Lan Hồ Điệp màu tím: màu tím là màu của sự thủy chung, cũng là màu của sự sang trọng và là biểu trưng cho quyền lực của hoàng gia, nếu bạn tặng người yêu thì đó như lời bày tỏ tình yêu của bạn và người đó sẽ mãi bền lâu dù cho tương lai có thế nào. Nó cũng là món quà phù hợp để tặng quản lý hoặc sếp của bạn như lời bày tỏ bạn ngưỡng mộ và tôn trọng đối phương.
Lan Hồ Điệp màu hồng: là màu của sự dịu dàng, bình yên, màu hoa này biểu tượng cho niềm vui và hạnh phúc. Đây là lời bày tỏ một tình yêu đẹp và trong sáng không quá nồng cháy nhưng bình yên và đầy hạnh phúc.
Lan Hồ Điệp màu xanh: màu xanh là màu khá hiếm, là màu của trời và biển mang ý nghĩa bao dung, sự bình yên và hơi mang tính tâm linh một chút. Vì vậy màu hoa này thường được trưng bày trong chùa và những nơi thanh tịnh.
Lan Hồ Điệp màu cam: màu cam là màu của sự ấm áp, nhiệt tình, không chói lọi như đỏ hay dịu dàng như hồng mà tràn đầy năng lượng, sự nhiệt huyết như tuổi thanh xuân của mỗi người.
Lan Hồ Điệp là loài hoa đẹp vừa kiêu sa quyến rũ lại không mất cốt cách thanh lịch đồng thời tuổi thọ hoa cũng dài hơn các loại hoa khác còn mang nhiều ý nghĩa may mắn, tích cực. Loài hoa này tuy hơi “đỏng đảnh” nhưng lại không quá khó chiều, chúc các bạn sớm trồng được một chậu Lan Hồ Điệp như ý bằng các nguyên vật liệu vừa sẵn có và dễ tìm nhé.