Cách trồng dâu tây ở miền Bắc ra quả trong vòng 3 tháng

Dâu tây là một loại trái cây được rất nhiều người yêu thích. Với hương vị ngọt ngào, thân lá mềm mại, quả xinh xắn thì cây dâu tây càng ngày càng được nhiều người trồng. Tuy nhiên, ở miền bắc trồng cây dâu tây như thế nào để cây cho ra quả trong vòng 3 tháng là điều mà nhiều người quan tâm. Hãy cùng nhà vườn Ngọc Lâm tìm hiểu cách trồng dâu tây ở miền Bắc và chăm sóc cây dâu tây qua bài viết dưới đây. 

Đôi nét về cây dâu tây

qua-dau-tay

Thông tin về cây dâu tây

Cây dâu tây có tên khoa học là Fragaria. Dâu tây hay còn gọi là dâu đất. Cây thuộc chi thực vật hạt kín và loài thực vật có hoa thuộc họ Hoa hồng. Dâu tây có nguồn gốc từ châu Mỹ sau đó được các nhà làm vườn châu Âu lai tạo vào thế kỷ 18 và tạo ra giống dâu tây được trồng rộng rãi hiện nay.

Dâu tây được trồng chủ yếu ở vùng ôn đới. Ở nước ta dâu tây chủ yếu được trồng ở vùng núi Đà Lạt – nơi có khí hậu mát mẻ phù hợp với loại trái cây này.

Dâu tây có mùi thơm thường được sử dụng làm món tráng miệng và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên ít người biết dâu tây là loại quả giả tức phần cùi thịt của quả không phải bắt nguồn từ các bầu nhụy mà thực tế nó là một loại quả bế. Thực tế, các hạt mới là quả thật sự còn phần cùi thịt mọng nước mà chúng ta hay gọi là quả thực ra là các mô đế hoa bị biến đổi. khi còn non có màu xanh lục ánh trắng, khi chín sẽ có màu đỏ.

Đặc điểm thực vật học

trong-cay-dau-tay

Thân cây: Dâu tây thuộc loại cây thân thảo, cây sống đa niên, thân ngắn với nhiều lá mọc rất gần nhau. Chồi nách được mọc từ nách lá, các chồi nách có thể phát triển thành thân nhánh, thân bò hoặc phát hoa.

Lá: Lá có hình dạng, cấu trúc, độ dày và lượng lông tơ thay đổi tùy theo giống. Hầu hết các giống dâu tây đều có lá kép với 3 lá chét, một số giống có lá kép với 4 hoặc 5 lá chét. Trên mép lá có răng cưa, cuống lá dài, cuống lá thường có màu trắng khi lá còn non và chuyển sang màu đỏ của đất khi lá già.

Hoa: Trên mỗi nhánh có một bông hoa. Hoa dâu tây có màu trắng, hơi tròn, có 5 cánh mỏng. Hoa lưỡng tính, trên mỗi hoa có khoảng 25 – 30 nhị và 50 – 500 nhụy.

Quả: quả dâu tây là loại quả giả do đế hoa phình to ra, quả thật nằm bên trong quả giả. Quả có hình bầu dục, khi non có màu xanh lục, chín có màu hồng hoặc đỏ tùy giống. Quả có vị ngọt lẫn chua, có mùi thơm nhẹ.

Rễ cây: Rễ dâu tây thuộc dạng rễ chùm, rễ ăn sâu vào trong đất khoảng 30cm

Điều kiện sống và phát triển của dâu tây

cham-soc-dau-tay

Điều kiện thời tiết

Dâu tây thích hợp với khí hậu mát lạnh. Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây dâu sinh trưởng và phát triển từ 18 – 22 độ C. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao là điều kiện tốt để tăng khả năng đậu quả và năng suất dâu.

Dâu tây là cây ưa sáng, trong điều kiện ánh sáng dồi dào cây sinh trưởng và phát triển mạnh. Trong trường hợp thiếu ánh sáng ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây.

Đất trồng

Dâu tây thích hợp trồng trên đất thịt nhẹ, có hàm lượng dinh dưỡng, chất hữu cơ cao. Yêu cầu đất phải giữ được ẩm nhưng thoát nước tốt. Trồng dâu tây trên đất giàu dinh dưỡng sẽ cho năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch quả. Độ ẩm cần thiết để cây sinh trưởng, phát triển là trên 4%, độ pH: 6 – 7

Cây dâu tây là loại cây có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại do đó khi chọn đất trồng, làm đất cần xử lý đất đúng cách để hạn chế nguồn bệnh lây lan từ đất cho cây. Vệ sinh đất trồng sạch sẽ, thu dọn tàn dư cây trồng, có thể tiến hành xử lý đất bằng các loại thuốc trừ sâu, nấm bệnh hoặc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh trong đất.

Thời vụ trồng dâu tây ở miền bắc

Ở miền Bắc thời điểm trồng dâu tây thích hợp nhất là khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch. Thời điểm này vào cuối mùa mưa, độ ẩm thích hợp cho cây nảy mầm vì vậy trồng dâu tây thời điểm này thì tỉ lệ thành công đạt 90 – 100%. Ngược lại nếu trồng dâu tây vào mùa nắng, độ ẩm thấp tỷ lệ sống sót chỉ 70%.

Cách trồng dâu tây ở miền Bắc

cay-dau-tay

Dâu cây thuộc nhóm thân thảo, có thể lựa chọn trồng dâu tây từ hạt giống hoặc từ cây con. Tuy nhiên, nếu sử dụng hạt giống sẽ mất thời gian dài và tốn công chăm sóc hơn. Lựa chọn trồng cây con thì thời gian cho quả nhanh hơn, giảm công chăm sóc. 

Chuẩn bị đất

Lựa chọn đất thịt nhẹ, cao ráo thoát nước tốt để trồng dâu tây. Cần tiến hành lên luống trồng cao: 15 – 20 cm ở vùng đất cao, 20 – 25cm ở vùng đất thấp

Nếu trồng trong nhà kính cần tiến hành trồng hàng 3 kiểu nanh sấu, luống rãnh 1,2 – 1,3m, khoảng cách cây cách cây 35 – 40cm, mật độ trồng: 40.000- 45.000 cây/ha.

Nếu trồng ngoài trời: tiến hành trồng hàng 3 kiểu nanh sấu, luống rãnh 1,2 – 1,3m, cây cách cây: 40 – 45cm, mật độ trồng 35.000 – 40.000 cây/ha. 

Khi trồng cần chú ý: Đặt cây thẳng so với mặt đất, đào lỗ đủ sâu để lấp hết bầu rễ của cây tránh làm vỡ bầu cây con.

Cách trồng dâu tây ở miền Bắc bằng cây giống

Tiêu chuẩn chọn cây giống: Chọn cây có thân cao khoảng 10 – 15cm, đảm bảo cây khỏe mạnh, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Hiện nay, có khoảng 4 giống dâu tây phổ biến trên thế giới.

+ Giống dâu tây June – bearing: Giống này tạo chồi vào mùa thu, cho thu hoạch vào tháng 6. Khi trồng ở vùng ấm áp thì thời gian cho ra quả sớm hơn tháng 6. Giống này thích hợp trồng đất hơn trồng chậu.

+ Giống dâu tây Everbearing: Là giống dây vĩnh cửu, cho ra quả quanh năm, bắt đầu cho ra quả từ mùa xuân đến cuối hè hoặc thu. Đối với giống dâu tây này sẽ hình thành chồi vào mùa hè và ra quả vào mùa thu.

+ Giống dâu tây Day neutral: Đây là giống dâu tây được lai tạo từ giống Everbearing. Giống này tạo quả liên tục trong suốt mùa cho đến đợt sương giá đầu tiên trong năm. Ở nhiệt độ 1 đến 3 độ C thì cây ra chồi liên tục.

+ Giống dâu tây Hana chịu nhiệt: Đây là giống dâu tây mới, chịu nhiệt tốt, cho quả nhiều có thể trồng quanh năm.

Cách trồng dâu tây bằng cây con:

Sau khi chuẩn bị đất xong cần tiến hành cho các cây con đã được chuẩn bị từ trước vào trồng. Sau khi trồng cần tiến hành tưới nước đầy đủ và che chắn cây hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu sáng trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng bén rễ của cây.

Lưu ý khi trồng cây con: Không nên trồng quá nông vì dễ làm cho rễ cây bị khô, nhưng cũng không nên trồng quá sâu điều này dễ làm cho rễ bị úng nước. Sau khi trồng cây xong cần nén chặt đất xung quanh bầu rễ sau đó mới tưới nước.

Cách trồng dâu tây ở miền Bắc bằng hạt giống

Dâu tây trồng bằng hạt có nhiều giống khác nhau để lựa chọn. Các giống dâu tây từ: Mỹ, ÚC, Nhật, New zealand hầu hết đều cho quả quanh năm. Tuy nhiên mỗi loại có một đặc tính sinh lý và điều kiện sinh trưởng khác nhau. Khi chọn giống dâu tây để gieo hạt thì việc lựa chọn hạt giống cần đảm bảo rằng tỉ lệ nảy mầm cao. Khi hạt giống nảy mầm cần lựa chọn và loại bỏ các cây non ốm yếu, bị sâu bệnh để đảm bảo chất lượng cây sau trồng sẽ đạt năng suất cao nhất.

Các bước trồng dâu tây bằng hạt giống:

Tiến hành ủ hạt trước khi gieo xuống đất nhằm kích thích việc nảy mầm. Cần tiến hành ủ hạt như sau: Sử dụng nước ấm( tỉ lệ 2 sôi: 3 lạnh) nhiệt độ khoảng 45 – 60 độ C để ngâm hạt. Thời gian ngâm hạt khoảng 6 tiếng. Sau đó vớt hạt ra và rải đều lên đĩa đã trải sẵn khăn ẩm. Sau đó phủ thêm lớp khăn ẩm nữa chờ hạt nứt. Khi hạt đã nứt mang ra phơi trong gió khoảng 30 phút rồi mới đem gieo.

Sau khi gieo cần thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho đất, nên tưới nước 2 lần/ngày vào chiều tối và sáng sớm. Cần chú ý không nên tưới quá nhiều hoặc quá ít hạt không nảy mầm được.

Chăm sóc dâu tây trồng ở miền Bắc hiệu quả

Cach-trong-dau-tay

Che phủ đất

Khi trồng dâu tây nên tiến hành che phủ đất, luống trồng. Có thể sử dụng tấm nhựa để che phủ mặt luống. Phương pháp này vừa giữ ẩm cho luống trồng, gia tăng nhiệt độ cho luống phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây dâu tây đồng thời hạn chế một số sâu bệnh hại, cách ly quả tiếp xúc trực tiếp với đất hạn chế các bệnh cho quả. Không những thể việc che phủ đất còn giúp hạn chế cỏ dại và hạn chế sự rửa trôi phân bón.

Có thể sử dụng 3 cách che phủ luống là: Dùng nhựa PE, dùng cỏ khô, dùng cỏ khô kết hợp lưới nylon trắng.

Tuy nhiên nếu sử dụng phương pháp che phủ ở những vùng đất thấp rất dễ phát sinh sên nhớt. Vì vậy, ở các vùng đất thấp khi sử dụng phương pháp che phủ luống cần có các biện pháp tiêu diệt sên nhớt tránh gây hại cho cây.

Các giai đoạn bón phân

Để dâu tây trồng đạt năng suất cao cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cây. Lượng phân bón cho 1 ha như sau:

+ Phân chuồng hoai mục: 40 – 50m3; 1.500kg vôi, 1000- 2000kg phân hữu cơ vi sinh

+ Phân hóa học: 217kg Urê, 750kg phân lân, 200 kg kali.

Trong một năm cần tiến hành bón vôi 2 đợt/năm. Đợt 1: Bón lót 1000kg, đợt 2: sau trồng 6 tháng bón bổ sung 500kg.

Lượng phân bón sau mỗi năm tăng dần. Định kỳ năm thứ nhất bón 10 lần, nếu cách 2 tháng bón 1 lần thì sử dụng lượng phân bón gấp đôi. Trường hợp sử dụng phân đơn thì mỗi đợt bón phân định kỳ có thể sử dụng 20kg urê, 20kg kali. Acid Boric và MgSO4 phun xịt định kỳ qua lá.

Cây dâu tây có thể cho thu hoạch quả kéo dài 2 năm hoặc hơn. Cây dâu tây trên 1 năm tuổi chức năng của rễ kém ảnh hưởng đến hấp thụ dinh dưỡng vì vậy để đảm bảo năng suất cần tiến hành bổ sung dinh dưỡng qua lá cho cây định kỳ 10 – 15 ngày/ 1 lần.

Chú ý: Khi bổ sung dinh dưỡng cho dâu tây cần tiến hành bổ sung ít một, có thể bón nhiều lần trong năm, mỗi lần bón một ít. Lượng phân bón theo khuyến cáo bón định kỳ cho dâu tây có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sức sinh trưởng, phát triển và giai đoạn thu, chu kỳ ra hoa đậu quả của cây.

Tưới nước

Nước tưới rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất khi trồng dâu tây. Không nên tưới nước nhiều quá rễ bị úng nước, tuy nhiên lượng nước không đủ cây sinh trưởng và phát triển kém. Lượng nước tưới cho cây khoảng 150 – 200ml/cây. Khi tưới nước nên tưới vào sáng sớm và cần sử dụng nước sạch để tưới cho cây. Nếu sử dụng dung dịch thủy canh thì cần tưới theo hướng dẫn cụ thể.

Cắt tỉa

Ngắt chùm hoa, cắt tỉa ngó: Để cây dâu tây sinh trưởng phát triển ổn định trong giai đoạn đầu nên ngắt chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng của cây và ức chế phát dục.

Trong giai đoạn thu hoạch: Tiến hành cắt tỉa những nụ, hoa, trái dị dạng và sâu bệnh nhằm cân đối khả năng phát triển của khung tán và số lượng hoa trái trên cây.

Tỉa thân lá: Nên để từ 3 – 4 thân/gốc để đảm bảo mật độ phân tán dâu tây cân đối. Tỉa bớt lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới. 

Chú ý: Không nên tỉa quá nhiều sẽ làm giảm khả năng quang hợp của cây. Các bộ phận của cây sau khi cắt tỉa cần phải tiêu hủy ở xa vườn trồng tránh lây sâu bệnh sang cây khỏe.

Trị bệnh cho cây

Cach-trong-dau-tay-trong-3-thang

+ Nhện đỏ Tetranychus Urticae

Triệu chứng: Nhện tấn công mặt dưới của lá làm cho lá non bị chuyển sang màu vàng, lá bị khô do cạn kiệt dinh dưỡng. Nhện cũng tấn công lên nhị hoa làm cho hoa không kết quả được.

Đặc điểm gây hại: Nhện trưởng thành và con non đều sống tập trung ở mặt dưới lá non. Nhện gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ từng đám, hơi nâu ở dưới lá. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng thấy một lớp mạng nhện đỏ, mịn ở mặt dưới lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi nhện sinh sản rất nhanh, mật độ có thể lên đến vài chục con trên một lá làm cho lá bị từng mảng lá bị vàng, khô cháy.

Hoa và quả cũng bị nhện gây hại. Nhện đỏ hút chất dinh dưỡng trong hoa làm hoa có thể bị thui và rụng. Quả bị vàng, sạm và nứt khi quả lớn.

Đặc điểm hình thái và quy luật phát sinh của nhện đỏ:

Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, lấm tấm như cám nếu dùng mắt thường rất khó phát hiện. Nhện đỏ trưởng thành dài 0,5 – 1mm, có màu hồng, đỏ nhạt, hình cầu, con đực nhỏ hơn con cái, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở phía đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói, trên mình và thân có nhiều lông cứng. Trưởng thành kéo dài 10 – 14 ngày.

Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới lá. Trứng hình tròn lúc mới đẻ có màu trắng hồng, sau đó hoàn toàn chuyển sang màu hồng. Trứng sau khi đẻ khoảng 4 – 5 ngày sẽ nở thành nhện con. Ấu trùng có màu xanh nhợt, lúc mới nở chỉ có 6 chân, từ tuổi thứ 2 trở đi cho đến khi trưởng thành chúng có 8 chân. Giai đoạn con non khoảng 6 – 9 ngày. Mỗi con cái đẻ 1 lần từ 50 – 100 trứng.

Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa. Nhện lan truyền nhờ những sợi tơ mạng nhện mà chúng tạo ra được gió đưa đi.

Cách phòng trừ: trường hợp bị nhiễm nặng có thể sử dụng các thuốc trừ nhện: Nissorun, Comite, Ortus, Omamiste…

+ Bọ trĩ Thrip tabaci

Đặc điểm hình thái: Bọ trĩ trưởng thành nhỏ, có màu vàng xám, trứng được đẻ trong các mô ở các bộ phận non của cây, bọ trĩ cái thường đẻ khoảng 40 – 50 trứng.

Bọ trĩ non có màu vàng nhạt, thường gây hại chung với bọ trĩ trưởng thành. Bọ trĩ là loại công trùng biến thái trung gian, bọ trĩ non chuyển sang giai đoạn nhộng giả có thể trú ngụ ở trong lá khô hay vỏ cây, nhưng vẫn tồn tại trong đất là chủ yếu.

Vòng đời của bọ trĩ là 17 – 20 ngày, một năm có thể có khoảng 20 thế hệ bọ trĩ hoàn thành xong chu kỳ phát triển.

Đặc điểm gây hại và quy luật phát sinh: Bọ trĩ gây hại chủ yếu trên đọt non, lá non, chúng chích hút nhựa cây làm cho cây suy kiệt. Không những thế bọ trĩ gây hại chủ yếu ở trên hoa làm cho hoa bị rụng hoặc làm cho quả bị nhỏ, biến dạng làm giảm hẳn năng suất thu hoạch.

Hoa bị bọ trĩ gây hại thường bị khô, có màu nâu. Quả non sinh ra từ hoa bị bọ trĩ có màu vàng đồng, quả nhỏ và cứng đồng thời những hạt trên bề mặt trái bị lồi ra, bề mặt trái dâu bị rạn. Trong vườn dâu tây nếu cây bị nhiễm nhẹ thì các cây bên cạnh ít bị ảnh hưởng tuy nhiên nếu bị nặng bọ trĩ có thể tấn công sang những cây bên cạnh và lan ra khắp vườn.

Biện pháp phòng trừ:

  • Bón phân đầy đủ, cân đối.
  • Cắt tỉa lá già, thu gom tiêu hủy tàn dư.
  • Trường hợp khi vườn bị nặng có thể sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin; Abamectin + Emamectin benzoate, Abamectin + Chlorfluazuron; …..

+ Sên, nhớt Helix aspersa

Đặc điểm: Sên nhớt có vỏ ốc mỏng, có 4 đến 5 vòng xoắn, màu sắc của chúng có thể thay đổi nhưng thường có màu xám hạt dẻ nhạt hay nâu, có những vệt hay đốm vàng. Thân ốc mềm và nhớt cps màu nâu xám thu hết vào bên trong vỏ khi không hoạt động. Sên là loại động vật ăn cỏ, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, khi hoạt động chúng thò đầu và chân ra khỏi vỏ, đầu có hai đôi râu vòi.

Đặc điểm gây hại: Sên, nhớt thường ẩn nấp khi trời nắng, khi trời râm mát hay ẩm thấp sên mới hoạt động mạnh. Vào ban đêm hoặc những ngày mưa ẩm sên, nhớt thường bò ra ngoài gây hại. Chúng cắn lá, thân và quả cây làm giảm năng suất và tạo điều kiện cho các nấm bệnh xâm nhập, gây hại.

Biện pháp phòng trừ:

  • Giữ cho vườn dâu luôn thông thoáng, tránh ẩm thấp và nhiều tàn dư là nơi trú ngụ của sên, nhớt.
  • Trong quá trình chăm sóc, cắt tỉa nếu phát hiện sên, nhớt cần tiến hành thu bắt và tiêu hủy.
  • Có thể sử dụng bẫy bả chua ngọt hoặc bả bia để bẫy sên nhớt.

+ Bệnh bạch tạng quả Physiological

Triệu chứng: Khi quả dâu tây chín xuất hiện các mảng màu trắng làm giảm giá trị thẩm mỹ và hương vị của dâu tây. Các mảng trắng cũng làm tăng nguy cơ xâm nhập nấm bệnh gây thối quả.

Nguyên nhân: Do mất cân bằng dinh dưỡng đặc biệt là bón quá nhiều đạm cộng với điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao.

Cách phòng trừ: Giữ vườn dâu tây luôn thông thoáng, bón cân đối dinh dưỡng cho cây. Đối với những quả bị bệnh cần tiến hành cắt bỏ và tiêu hủy.

+ Bệnh xì mủ quả Xanthomonas fragaria

Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu xuất hiện ở dưới bề mặt lá là những đốm nhỏ sũng nước. Lá dâu tây có màu xanh tái khi đưa ra ánh sáng mặt trời. Sau đó lá bị bệnh có thể bị khô héo và chết đi.

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas fragariae gây ra. Vi khuẩn lây lan từ cây này sang cây khác do nước mưa hoặc tưới tiêu.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng cây giống từ vườn ươm cây sạch bệnh

Tiến hành thu gom và tiêu hủy các cây, lá bị bệnh

Hạn chế sử dụng hệ thống tưới phun mưa, nên sử dụng lớp phủ rơm rạ, cỏ khô để hạn chế nước bắn khi trời mưa. Nên giữ cho vườn thông thoáng, khô ráo.

+ Bệnh đốm đỏ Mycosphaerella fragariae

Triệu chứng: Trên lá ban đầu xuất hiện các đốm tròn màu tía, sau đó đốm lan rộng từ 3 – 6mm. Ở trung tâm đốm có màu xám trắng, hoại tử có quầng màu tím bao quanh đốm bệnh. bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây.

Nguyên nhân: Bệnh do nấm gây ra, bệnh thường gây hại khi thời tiết ẩm và ấm. Bệnh lây lan nhanh vào mùa mưa hoặc khi tưới nước.

Biện pháp phòng trừ: Cắt tỉa các phần bị bệnh và tiêu hủy các xa nơi trồng. Dùng cỏ khô phủ đất để giảm khả năng lây lan bệnh. Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để hạn chế sự lây lan bệnh sang cây khỏe.

+ Bệnh phấn trắng Sphaerotheca macularis

Triệu chứng: Ban đầu vết bệnh là một lớp bột trắng xuất hiện phía sau mặt lá. Bệnh nặng có thể lan ra cả thân, hoa và quả. Các lá bị bệnh thường bị cuốn tròn lên phía trên và để lộ sau mặt lá một lớp bột màu trắng. Những vùng bị nhiễm bệnh sẽ bị héo khô và chết.

Nguyên nhân: bệnh do nấm Sphaerotheca macularis gây ra. Bệnh lây lan theo gió từ cây bệnh sang cây khỏe. Nấm bệnh gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây.

Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa thường xuyên các thân lá bị bệnh đem tiêu hủy ra xa ruộng. Khi trồng dâu tây tránh trồng với mật độ dày, tăng cường phân kali cho cây.

+ Bệnh mốc xám, thối quả do nấm Botrytis cinerea

Triệu chứng: Nấm bệnh chủ yếu xuất hiện và gây hại giai đoạn quả chín. Đầu tiên trên quả xuất hiện những đốm nâu sáng xuất hiện sau đó lan rộng ra cả quả và phủ một lớp mốc xám.

Nguyên nhân: Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra, chủ yếu gây hại trong điều kiện ẩm ướt, độ ẩm không khí cao.

Biện pháp phòng trừ: Tiến hành thu dọn sạch sẽ tàn dư, giữ cho vườn thông thoáng và khô ráo. Che phủ gốc bằng rơm rạ hoặc lưới tránh để quả tiếp xúc trực tiếp với đất. Những quả bị bệnh cần được ngắt bỏ và tiêu hủy xa nơi trồng.

+ Bệnh cao su, thối quả do nấm Phytophthora cactorum

Triệu chứng: Quả bị biến màu, quả xanh khi bị nhiễm bệnh bị cứng và chuyển thành màu nâu. Quả già nếu bị nhiễm bệnh sẽ nhợt màu, đỏ hoặc hơi nâu, quả hơi mềm. Khi bị nặng quả bị khô teo nhỏ lại và dai như cao su. Triệu chứng đặc biệt của bệnh là quả bị mất hương, vị có mùi khó chịu như mùi dầu nhớt xe và có vị đắng.

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Phytophthora cactorum và thường lây lan nhanh khi trời mưa hoặc tưới nhiều nước.

Biện pháp phòng trừ: Kiểm soát lượng nước tưới, che phủ gốc tránh để quả tiếp xúc trực tiếp với đất.

Trên đây là hướng dẫn cách trồng dâu tây ở miền Bắc của Nhà Vườn Ngọc Lâm. Chúc các bạn trồng thành công cây dâu tây tại miền Bắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0968 750 386 Nhắn tin Facebook Zalo: 0968 750 386 Nhà Vườn Ngọc Lâm